Tương quan Kế_Hoàng_hậu

Khi còn là Phi, Na Lạp thị đã có những điểm đặc thù nhất định thể hiện việc Càn Long Đế tương đối coi trọng bà. Căn cứ hồ sơ hiện có, Na Lạp thị trở thành Trắc Phúc tấn là thời điểm tháng 11 năm Ung Chính thứ 12, vỏn vẹn 1 năm đến lúc Càn Long Đế đăng cơ. Trước đó, Tuệ Hiền Hoàng quý phi Cao thị, do có gia thế đã được Ung Chính Đế chỉ định làm Trắc Phúc tấn, dĩ nhiên Na Lạp thị ở vị trí Trắc Phúc tấn thứ hai - vị thứ có khác biệt. Địa vị trước sau, đối với hoạch định nhà nề nếp xưa đã rất là quan trọng, chứ không cần nói đến hoàng tộc. Ở đây, Na Lạp thị hiển nhiên khi đại phong phải xếp dưới Cao thị, nhưng vị thứ khi còn ở tiềm để của bà cũng đủ để bà có được tước Phi, đứng hàng thứ ba chỉ sau Hiếu Hiền Thuần hoàng hậu và Tuệ Hiền Hoàng quý phi.

Rồi thời điểm Tuệ Hiền Hoàng quý phi qua đời, chính là lúc Na Lạp thị lộ rõ được quan tâm nhiều hơn. Chỉ chưa đầy một tháng sau, Càn Long Đế đã cho nâng đãi ngộ vị Quý phi của Na Lạp thị cùng Tô thị cao hơn so với khi trước. Rồi đến khi Hiếu Hiền Thuần hoàng hậu qua đời, chưa tới một năm mà Na Lạp thị đã được tuyên bố [Người kế vị Trung Cung], lại còn được nhận danh vị chưa từng có là [Hoàng quý phi Nhiếp lục cung sự]. Không chỉ dừng lại ở đó, Càn Long Đế còn cho sửa sang Nghi trượng của bậc Hoàng quý phi lên rất nhiều: tổng 58 kiện. Đây là lần đầu tiên Hoàng quý phi có Nghi trượng giữ khoảng cách với Quý phi (trước đó Nghi trượng cả hai bậc là như nhau), đồng thời là Hoàng quý phi đầu tiên có Nghi trượng được dùng màu vàng Minh hoàng vốn chỉ dành cho Đế-Hậu. Sau đó, số kiện của Hoàng quý phi đã vượt mốc Hoàng hậu (tầm khoảng 55 kiện), nên Càn Long Đế lại quyết định tăng số lượng kiện phẩm cho Nghi giá của Hoàng hậu và Hoàng thái hậu lên rất nhiều, có tổng là 77 kiện[49]. Đến khi lên Hoàng hậu, vinh quang của Na Lạp thị không giảm. Bà thường cùng Càn Long Đế thực hiện các chuyến công du, khi ở độ tuổi trung niên lại sinh hạ liền hai vị Hoàng tử và một vị Công chúa. Cuộc đời của bà đột ngột thay đổi khi xảy ra chuyện trong chuyến Nam Tuần năm ấy. Cách năm, Na Lạp hoàng hậu liền bạo băng, nhưng Càn Long Đế lại chỉ dùng nghi lễ Hoàng quý phi hạ táng, còn với một quy cách thấp hơn.

Cũng bởi vì lẽ ấy, khi nghe chiếu dụ thực hiện tang lễ cho Na Lạp Hoàng hậu, có Ngự sử Lý Ngọc Minh (李玉鸣) bất bình, đã cầu xin Càn Long Đế hãy tổ chức tang lễ xứng với địa vị Hoàng hậu của bà. Kết quả, ông bị đày ra biên cương[50]. Tuy nhiên việc đó cũng không làm chấm dứt sự bất bình của triều đình đối với việc làm của Hoàng đế. Điều đặc biệt là không chỉ triều đình, đến người trong hoàng tộc họ Giác La thị và ngay cả trong dân gian, nhất là vùng Giang Nam, vẫn liên tục phỏng đoán vụ việc này, tất cả đều đả kích việc làm của Càn Long Đế.

Khoảng 12 năm sau, năm Càn Long thứ 43 (1778), lại có người dâng thư thỉnh Hoàng đế cử hành hậu sự cho Na Lạp Hoàng hậu, việc này khiến Càn Long Đế bắt buộc phải ra chiếu dụ giải thích:

Sự thất sủng đột ngột của Hoàng Hậu Na Lạp thị luôn là bí ẩn lớn. Nhiều quan viên bị khiển trách vì muốn khôi phục lễ tiết cho bà.

孝贤皇后崩逝时,因那拉氏本系朕青宫时皇考所赐之侧室福晋,位次相当,遂奏闻圣母皇太后,册为皇贵妃、摄六宫事。又越三年,乃册立为后。其后自获过愆,朕仍优容如故。乃至自行翦发,则国俗所最忌者,而彼竟悍然不顾。然朕犹曲予包含,不行废斥。后因病薨逝,只令减其仪文,并未降明旨削其位号。朕处此事,实为仁至义尽。且其立也,循序而进,并非以爱选色升。及其后自蹈非理,更非因色衰爱弛

...

Từ khi Hiếu Hiền hoàng hậu qua đời đến nay, nhân Na Lạp thị là lúc Trẫm còn ở Thanh Cung được Hoàng khảo ban làm Trắc thất Phúc tấn, vị thứ đương cao, bèn tấu lên Thánh mẫu Hoàng thái hậu, sách lập làm Hoàng quý phi Nhiếp lục cung sự. Sau 3 năm, sách lập làm Hoàng hậu.

Về sau, (Hoàng hậu) tự mắc lỗi lầm, Trẫm vẫn rộng rãi như cũ. Nhưng rồi tự tiện cắt tóc, tức trái quốc tục cấm kị nhất, thế mà (Hoàng hậu) vẫn ngang nhiên không màng đến. Trẫm chỉ ra điều răn dạy, vì còn nghĩ ơn xưa, cũng không thể phế truất. Sau Hoàng hậu bạo băng, Trẫm chỉ giảm nghi văn an táng, vẫn chưa lột bỏ danh hiệu. Huống hồ về sau không lập Hoàng hậu, xử lý việc này trẫm thật là đã tận tình tận nghĩa.

— Càn Long năm thứ 43 chiếu dụ[51]

Như vậy, lúc đó Na Lạp Hoàng hậu đã cắt tóc, mà theo phong tục Mãn Châu thì việc cắt tóc chỉ khi Hoàng đế hoặc Hoàng thái hậu mất, khép vào đại bất kính, đại bất hiếu[52], và việc Na Lạp Hoàng hậu cắt tóc như xúc phạm bề trên đã khiến Càn Long Đế nổi giận. Tuy nhiên, với một người xuất thân Mãn Châu Bát Kỳ như Na Lạp Hoàng hậu lại không biết điều cấm kỵ này mà phạm phải? Hơn nữa, khi này là do nhân gian đả kích việc Hoàng đế bạc bẽo Na Lạp hoàng hậu đang ở cao trào, mà hơn 10 năm sau khi Na Lạp Hoàng hậu qua đời thì Càn Long Đế mới ra chỉ giải thích, thật giả khó kiểm chứng được.

Tuy vậy, theo lá thư mà Càn Long Đế viết cho cháu trai bà sau sự việc năm đó, thì có lẽ thực sự Na Lạp Hoàng hậu vào lúc đó chính xác đã cắt tóc vì muốn xuất gia. Vấn đề ở đây là, Hoàng hậu Na Lạp thị từ khi ở Tiềm để đến khi vào sống trong hậu cung hơn 30 năm, làm Hoàng hậu 15 năm, luôn ôn nhu uyển thuận, cẩn thận sáng suốt, đến cuối cùng vì việc gì mà Na Lạp Hoàng hậu đến quốc tục tối kị cũng không màng mà cắt tóc xuất gia? Nguyên do bà cắt tóc xuất gia đến nay vẫn còn là câu hỏi lớn, đến bản thân Càn Long Đế trong chiếu dụ giám sát Hoàng hậu vào năm đó cũng cho thấy sự mơ hồ của chính bản thân ông trong sự việc này.